Chớ coi thường “bệnh văn phòng”



Những người làm công việc văn phòng sau một thời gian thường sẽ mắc các bệnh như mỏi mắt, đau lưng, thoái hoá đốt sống cổ, hội chứng ống cổ tay, sạm hoặc khô da, béo bụng… Những ”bệnh văn phòng” này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống của những người mắc phải. Nếu không có cách điều trị và điều chỉnh thích hợp, các bệnh tưởng không nguy hại này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ. Vậy, những bệnh mà dân văn phòng thường gặp là gì, làm thế nào để phòng bệnh?  

Mỏi mắt: Làm việc liên tục với máy tính sẽ khiến mắt bạn không chỉ mỏi, nhức, mà còn có thể bị khô hoặc chảy nước liên tục. Đó là do mắt phải điều tiết quá nhiều trong một thời gian dài nên đã dẫn đến tình trạng trên. Đi kèm với mỏi mắt là chóng mặt, nhức đầu và có cảm giác nôn nao. Sóng máy tính gây hại cho hệ thần kinh, mắt nhức mỏi cũng khiến thần kinh căng thẳng, cùng với đó là không khí ngột ngạt của văn phòng sẽ khiến bạn dễ bị căng thẳng hơn. Nếu muốn chấm dứt tình trạng trên, sau mỗi 60 phút làm việc trước máy tính bạn nên nghỉ ngơi khoảng 5 phút. Trong thời gian nghỉ ngơi đó bạn hãy nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể và tưởng tượng mình đang ở một nơi có phong cảnh đẹp, hay nghe một bản nhạc du dương. Nên dùng thuốc nhỏ mắt mỗi ngày 3 lần để mắt không bị khô mỏi.

Những người làm văn phòng dễ bị thoái hóa đốt sống cổ.

Đau lưng, nhức tay, thoái hoá đốt sống cổ: Ngồi nhiều với tư thế sai sẽ làm cơ lưng và cột sống vặn vẹo, dẫn đến đau lưng. Gõ máy tính liên tục và bấm chuột sẽ khiến các khớp tay đau nhức. Cổ liên tục ở tư thế bất động, máu kém lưu thông, dần dần sẽ dẫn đến thoái hoá khớp. Đó là lý do vì sao những người làm văn phòng dễ mắc các bệnh như hội chứng ống cổ tay (cánh tay đau nhức), thoái hoá đốt sống cổ, đau thần kinh toạ. Lời khuyên hữu ích dành cho dân văn phòng là hãy điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho đúng: lưng thẳng, không ngồi lún quá sâu vào lưng ghế. Nên tìm cho mình một chiếc ghế mềm mại và thoải mái nhất. Chú ý đến độ cao của bàn viết và ghế ngồi để hai tay của bạn vừa tầm trên bàn làm việc. Sau 2 giờ làm việc với máy tính bạn nên vươn vai, xoay người, hay tập một môn thể thao nhẹ nhàng để khí huyết được lưu thông. Đồng thời, thường xuyên tự xoa bóp các khớp ngón tay để tránh sự nhức mỏi và co rút cơ.

Hội chứng tổn thương thần kinh là những thứ mà bạn có thể gặp. Khi bạn ngoẹo đầu sang một bên để giữ điện thoại nói chuyện trong khi hai tay vẫn thoăn thoắt với máy tính, có thể bị hội chứng thoát ngực. Nó là do sự chèn ép đám rối thần kinh cánh tay do căng cơ bên của cổ vì sai vị trí đầu hay tư thế ngồi sụp. Khi duỗi ngón tay và cổ tay lặp đi lặp lại hay do quay cẳng tay sẽ làm chèn ép dây thần kinh quay, coi chừng bị hội chứng ống thần kinh quay với biểu hiện là cảm giác khó chịu từ khuỷu tay đến phần chân đế của ngón cái hoặc yếu cổ tay.

Béo bụng: Không chỉ nam giới, mà nữ giới văn phòng bụng cũng có xu hướng to hơn bình thường, đó là vì họ ít vận động, ngồi sai tư thế, khiến cho lượng mỡ tích lại ở vùng bụng nhiều hơn bình thường. Đó là chưa kể tới việc ít vận động, thừa calo còn dẫn tới béo phì. Do đó, nếu công việc của bạn ít phải vận động thì bạn hãy cố tận dụng mọi cơ hội để được đi lại, hoạt động chân tay. Thay cho đi thang máy, hãy leo cầu thang bộ. Nên gặp gỡ trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp thay cho việc điện thoại, cùng với đó là các bài tập thể dục giữa giờ. Nếu làm điều này thường xuyên, bạn sẽ có vóc dáng hoàn hảo.

Các bệnh về da và hô hấp: Trong môi trường máy điều hoà tại văn phòng, lại thiếu không khí trong lành, da và hệ thống hô hấp của bạn sẽ có vấn đề. Nhẹ thì da mất nước, khô ráp, sạm màu. Nặng hơn thì da nổi mụn, dị ứng, miệng khô, khó thở và dễ bị viêm đường hô hấp. Uống nhiều nước, dùng kem dưỡng ẩm và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, C, E… là điều rất cần thiết đối với nhân viên văn phòng. Thỉnh thoảng, bạn cố gắng ra ngoài phòng hít thở không khí trong lành để cải thiện tình trạng trên.

BS. Vũ Thanh Tú

http://suckhoedoisong.vn/2010062503145966p0c44/cho-coi-thuong-benh-van-phong.htm