Kinh doanh thời khủng hoảng: 7 lỗi cần tránh



Có rất nhiều lỗi các nhà quản lý thường mắc phải trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, trong đó có 7 lỗi nghiêm trọng nhất. Để lèo lái doanh nghiệp trước tình hình mỗi ngày có hàng ngàn người mất việc và công ty bị phá sản, các nhà quản lý thường tập trung giảm chi phí mà lơ là những việc khác như xây dựng đội ngũ nhân viên và phát triển quan hệ khách hàng. Đó là một sai lầm lớn vì chính nhân viên và khách hàng là nguồn hỗ trợ cơ bản giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Công ty Tư vấn và Tuyển dụng Robert Half International (Mỹ) đã thực hiện cuộc điều tra khách hàng và tìm ra 30 lỗi các nhà quản lý thường phạm phải trong thời khủng hoảng, trong đó có 7 lỗi sau là nghiêm trọng nhất.

1. Nghĩ rằng nhân viên không nên biết sự thật: Nếu bạn thường xuyên “quên” chia sẻ với nhân viên về tình hình kinh doanh thì bây giờ là lúc thích hợp để bắt đầu. Thái độ cởi mở và thành thực của bạn về ảnh hưởng của khủng hoảng đối với công ty sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ có phần trách nhiệm và tự chủ trong công việc. Bạn có thể thảo luận với họ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn thời kỳ trước đây, đồng thời bàn cách giải quyết trong hiện tại.

2. Cho rằng nhân viên phải vui mừng vì họ còn có việc làm: Dù nhiều nhân viên âm thầm sung sướng về chuyện đó, không có nghĩa họ không cần được khen ngợi và khuyến khích, nhất là các nhân viên giỏi. Sự xuất sắc của họ cần được công nhận bởi “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”.

3. Đổ lỗi cho ban giám đốc: Thường thì trưởng bộ phận là người phải báo tin dữ cho nhân viên. Và để chiếm cảm tình nhân viên, họ kín đáo thêm vào một câu: “Rất tiếc, nếu tôi là người có quyền quyết định thì…”. Không nên nói vậy, vì câu này ngụ ý bạn không đồng ý với ban giám đốc và nó sẽ khiến nhân viên lo âu. Tốt hơn hết bạn nên thông báo về sự thay đổi và lý do của nó.

4. Không thu hút nhân viên vào việc phát triển quan hệ với khách hàng: Cần khuyến khích nhân viên suy nghĩ cách thức họ có thể đóng góp cho công ty để đạt được mục tiêu kinh doanh. Nếu có thể, nên thu hút nhân viên vào việc tìm ra các đơn hàng mới. Thông qua nhân viên, bạn có thể tăng cường mối quan hệ vơi khách hàng hiện có hoặc tiếp cận khách hàng mới.

5. Giao cho nhãn viên nhiệm vụ bất khả thi: Sau khi tinh giản nhân sự để tiết kiệm chi phí, những nhân viên còn lại thường phải làm công việc của 2 hoặc 3 người. Nếu bắt buộc phải hoàn tất mọi thứ trong trường hợp này là bạn đã đặt họ vào tình huống bất khả thi, bởi không phải ai cũng là Tom Cruise (diễn viên chính trong phim Mission Impossible – Điệp vụ bất khả thi). Do đó, nếu chuyện này xảy ra, hãy giúp nhân viên xác định những việc quan trọng nhất cần làm, việc nào có thể thuê bên ngoài hoặc việc nào chưa cần làm ngay.

6. Không quan tâm đến bộ phận phục vụ khách hàng: Chính trong khủng hoảng, việc phục vụ tốt khách hàng mới trở nên quan trọng. Bạn cần huấn luyện nhân viên làm việc ở bộ phận này trau dồi kiến thức và xây dựng phong cách cần thiết để không làm mất đi những khách hàng hiện có. Một đội ngũ nhân viên hiểu biết, năng động và gắn bó với công ty là những “con gà đẻ trứng vàng” cho bạn lúc khó khăn. Chính họ sẽ đem lại khách hàng và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

7. Không dám phát triển sản phẩm mới: Nếu bạn nhận thấy một sản phẩm hay dịch vụ mới có tiềm năng, đừng chờ đến khi khủng hoảng qua đi. Sau khi tính toán kỹ lưỡng và chấp nhận một phần may rủi, nếu vẫn thấy hấp dẫn thì bạn nên đầu tư. Chính sản phẩm hay dịch vụ mới sẽ giúp bạn chiếm thị trường và vượt qua đối thủ cạnh tranh trong lúc này.

Nhịp cầu Đầu tư