Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Mỹ đã và đang lan dần tầm ảnh hưởng của nó đến các quốc gia đang trên đà phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ… Việt Nam cũng không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Thế Giới Tiêu Dùng đã có cuộc trao đổi với chuyên viên kinh tế TS. Vương Quân Hoàng – ĐH Tổng hợp Bruxelles (Bỉ), và ông Rick Yvanovich – Tổng Giám đốc công ty TRG International tại Việt Nam, nhằm tìm ra những lời khuyên quý báu cho các doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ thua lỗ, rủi ro trước tác động của một cuộc suy thoái kinh tế.
Làm gì khi suy thoái
Câu hỏi các doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực quan tâm là họ nên vận hành sản xuất, kinh doanh như thế nào để tránh tổn thất và bất trắc có thể xảy đến? Theo TS. Vương Quân Hoàng, thực ra mỗi doanh nghiệp sẽ có những chủ trương kinh doanh riêng, mỗi ngành sẽ có những bài toán của mình, vì mức sử dụng tiền mặt, khả năng thu hồi công nợ, vòng quay tiền… của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Nhưng với vấn đề rất chung này, ông Hoàng tư vấn một số nguyên lý khái quát:
Về vận hành sản xuất – kinh doanh: Rà soát cơ cấu sản phẩm theo hướng tập trung vào những sản phẩm chủ lực, có cơ hội tiết giảm chi phí và ổn định được thị trường tiêu thụ; xem xét lại năng lực sinh ra giá trị gia tăng của các nhóm sản phẩm – dịch vụ, vì thường chỉ một nhóm sản phẩm chủ lực tạo ra phần lớn lợi nhuận, giống như việc khoang khách hạng nhất – thương gia của một máy bay tạo ra tới 70 – 80% lợi nhuận ròng cho một chuyến bay; phát triển các dòng sản phẩm – dịch vụ thay thế/liên quan mà không lệ thuộc vào các khoản đầu tư lớn, có thể giúp ổn định hoặc khai thác thêm nhu cầu thị trường đang tồn tại.
Về quản lý tài chính – đầu tư: Liên tục rà soát công nợ hàng ngày (TS Hoàng nhấn mạnh chữ hàng ngày), nhất là đối với những doanh nghiệp có số lượng hàng cung cấp lớn, giá đơn vị nhỏ; liên tục theo dõi các nhóm chỉ số tài chính doanh nghiệp; đàm phán lại với các đối tác về thời gian cung cấp tín dụng (không có tín dụng thương mại thì khó bán hàng, nhưng dài hoặc lỏng lẻo quá thì khó thu hồi, hoặc không tạo hồi lưu của tiền tệ được); tiết giảm việc đầu tư vượt quá năng lực tài chính doanh nghiệp, có thể dẫn tới việc lệ thuộc vào vốn vay; không chủ trương các trò chơi tài chính kiểu Ponzi, tức là thu hút vốn đám đông, lấy người sau trả cho người trước dưới dạng tài sản hình thành từ nguồn nợ.
Về thị trường: Đảm bảo giữ vững hệ thống phân phối sản phẩm – dịch vụ của mình bằng duy trì chất lượng sản phẩm (sữa melamine và vụ ồn ào nghi vấn bánh “chuột” Highlands là một ví dụ đáng lưu tâm) và chăm sóc đại lý – khách hàng; quan sát các yếu tố có thể tác động tới tâm lý thị trường thay đổi sự ưu tiên sử dụng hàng hóa dịch vụ (trong lúc khủng hoảng là dịch chuyển toàn phần, chứ không phải là tăng thêm lựa chọn), ví dụ vấn đề môi trường của Vedan, Miwon…; với các thị trường quốc tế, đừng bao giờ quên kiểm tra năng lực tài chính của khách hàng (thanh toán), lịch sử thanh toán đúng hẹn, và năng lực tài chính của ngân hàng đại diện phía khách hàng…
Ông Hoàng kết luận: Thực ra, cần phải căn cứ vào đầu bài cụ thể của doanh nghiệp tại bối cảnh rất đặc trưng để có một phương án hành động hợp lý, phản ứng hiệu quả. Tuy nhiên, những nguyên lý trên cũng nên xem xét vì nó đặc trưng cho thời kỳ thách thức, khó khăn.
“May be or not may be”
Cuộc khủng hoảng tài chính lan truyền từ Mỹ liệu có khiến nền kinh tế Việt Nam năm 2009 tuột dốc? Câu hỏi đầu tiên đã được ông Rick Yvanovich trả lời nước đôi: “May be or not may be.” Ông giải thích tuy nền kinh tế thế giới năm 2009 rõ ràng không thể sớm phục hồi và nền kinh tế Việt Nam đương nhiên bị ảnh hưởng, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không còn tùy thuộc Việt Nam có nằm trong trung tâm của cơn lốc suy thoái đó hay không? Bởi theo ông, có không ít nền kinh tế, ngành kinh tế của một số quốc gia sẽ ít chịu ảnh hưởng xấu, hoặc thậm chí đó còn có thể là một cơ hội cho họ phát triển.
Ông Rick Yvanovich đưa ví dụ như trong lĩnh vực hoạt động IT của TRG International tại Việt Nam. Cuộc khủng hoảng tài chính của các nền kinh tế thế giới lại tạo cho công ty ông một cơ hội phát triển khá tốt. Ông Rick Yvanovich lý giải: tài chính khó khăn khiến các doanh nghiệp tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu nghĩ đến việc tiết kiệm chi phí, nhất là việc tăng cường hoạt động hiệu quả từ lĩnh vực công nghệ thông tin. Và hiện nay doanh nhân của họ đang tìm đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu mới phát sinh này của họ. Hẳn nhiên, đó là cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT của Việt Nam ghi điểm, vươn tầm hoạt động kinh doanh sản xuất.
Ông Rick Yvanovich cũng cung cấp cái nhìn khá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2009. Ông cho rằng với tốc độ phát triển khá nhanh (liên tục tăng trường trên 7% mỗi năm) và chưa có những dấu hiệu sụt quá lớn trong năm 2009 vẫn là một yếu tố thuận lợi, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Yếu tốt dân số đông dẫn đến nhu cầu cần được đáp ứng cao, lực lượng lao động dồi dào… cũng vẫn sẽ là những yếu tố thuận lợi mang tính vững chắc, tạo tâm lý yên tâm trong hoạt động sản xuất để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư…
Cần được cải thiện từ cả hai phía
Kinh tế suy giảm, ít nhiều có ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, theo ông Rick Yvanovich chúng ta phải có cái nhìn khách quan hơn là dù nền kinh tế có giảm sút hay tăng trưởng thì những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kinh doanh nói chung là không đổi và cũng không tự dưng phát sinh thêm. Nhất là tại Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác, thì những khó khăn đặc biệt mà các doanh nghiệp thường gặp là những vấn đề liên quan đến các chính sách, các thủ tục hành chính được quy định một cách quá rườm rà và không cần thiết từ phía luật pháp của Nhà nước.
Theo ông Rick Yvanovich, việc làm thế nào để cải thiện những rườm ra không cần thiết trong các thủ tục hành chính – một trong các yếu tố quyết định đến vấn đề thuận lợi hay khó khăn môi trường kinh doanh trong năm 2009 – từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp là điều cần được chú ý thực hiện. Ông Rick Yvanovich cho rằng hiện tại các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu… của các doanh nghiệp là vô cùng rối rắm. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước sẽ không ai mong muốn việc phải trả tiền công cho nhân viên của họ chỉ để lo mỗi công việc chạy chọt các thủ tục hành chính.
TGTD