9 phẩm chất quý của các doanh nhân giỏi trên thương trường (1)



Các cuộc nghiên cứu đã rút ra được những phẩm chất quí giá của các doanh nhân giỏi, đó là: Lấy chữ “tín” làm đầu (giữ lòng tin để được người tin); Biết người biết mình; Biết đón đầu, đi trước để hơn người, Biết tùy cơ ứng biến; Chịu khó (đãi cát tìm vàng, thạch trung ẩn ngọc); Có tài nghệ dùng người; Biết chờ thời cơ, chậm để chờ biến; Biết chuyển bại thành thắng; Kiên nhẫn (có công mài sắt, có ngày nên kim).1. Lấy chữ “tín” làm đầu, giữ lòng tin để được người tin.

Một khi nhà DN đã xây dựng được uy tín rồi sẽ càng được tín nhiệm thêm. Có lòng tin sẽ có nhiều bạn hàng, nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn hàng, khách hàng. Ðó cũng là một phẩm chất và cũng là một thuật kinh doanh.

Người Do Thái là một dân tộc giỏi làm giàu. Hiện nay trên 13 triệu người Do Thái ở rải rác khắp các nước trên thế giới, nắm một nguồn tài chính lớn. Họ được mệnh danh là các “nhà buôn thế giới”. Một trong những “tuyệt chiêu” của họ trong buôn bán là luôn luôn thực hiện giao kèo một cách triệt để.

2. “Biết người biết mình”.

Trong kinh doanh “biết người biết mình” tức là biết được khả năng của mình và của đối tác, khả năng của mình và của thị trường. Hãng xe hơi BMW của Ðức đã “đánh” vào thị trường Nhật. Qua tìm hiểu, hãng BMW phát hiện rằng người Nhật mua xe hơi luôn sợ “mắc hợm”, thích mua qua người quen, mà đặc điểm đa dạng hoá của mạng lưới cung tiêu Nhật Bản lại là ở chỗ có thể lợi dụng được.

Họ bèn móc nối với những ngành ngoài xe hơi, qua mạng lưới tiêu thụ của họ bán xe mang hiệu BMW cho các khách hàng có quan hệ. Trong 5 năm đầu tiên BMW vào thị trường Nhật Bản, hãng đã tiêu thụ mỗi năm tới mức kỷ lục là 140. 000 xe hơi ở Nhật, bắt rễ thành công thị trường xe hơi của mình tại đây.

3. “Ðón đầu, đi trước để hơn người”.

Muốn đi trước để hơn người phải có đủ hai phẩm chất là hiểu biết và gan dạ. Nhiều DN thành đạt là nhờ có phẩm chất này.

Ðầu thập kỷ 50 công nghiệp chất dẻo của Ðài Loan còn rất lạc hậu, công nghiệp chất dẻo trên thế giới cũng mới ở thời kỳ đầu phát triển. ông Vương Vĩnh Khánh nhìn thấy viễn cảnh tốt đẹp của ngành này và đã mạnh dạn vay Văn phòng đại diện của cơ quan phát triển Mỹ tại Ðài Loan 680. 000 USD để xây dựng nhà máy nhựa. Hiện nay Cty Nhựa Ðài Loan của ông đã trở thành cty xuyên quốc gia. Ông Vương Vĩnh Khánh được mọi người phong cho tên gọi “thần kinh doanh”.

4. “Tùy cơ ứng biến”.

Thị trường quốc tế và nội địa ngày nay biến đổi mau lẹ trên hai phương diện: một là cạnh tranh cực kỳ dữ dội, sản phẩm mới liên tục ra đời; hai là tâm lý, sở thích của khách hàng tiêu thụ không ngừng thay đổi. Nhà DN phải có tính thích nghi cao, tính sáng tạo lớn, biết “đón đầu, đi tắt”, phản ứng kịp thời.

Những năm cuối thập kỷ 70, trên thế giới thịnh hành trò chơi điện tử, các nhà máy điện tử ở Hồng Kông được tin là hành động ngay lập tức, sản xuất hàng loạt máy lắp trò chơi điện tử cung cấp cho thị trường thế giới và kiếm được khoản lợi nhuận kếch sù. Năm 1983 máy tính cá nhân lại rất thịnh hành ở nước Mỹ, các nhà máy điện tử Hồng Kông liền chuyển sang sản xuất mặt hàng này đưa sang thị trường Mỹ, và một lần nữa lại thu được siêu lợi nhuận.