Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với những thay đổi. Nhưng những thay đổi đó, dù lớn hay nhỏ, có thể hoặc giúp doanh nghiệp phát triển lên một đỉnh cao mới hay trượt xuống tận đáy dốc. Vậy điều khác biệt giữa những người tận dụng được thay đổi để tiến lên và những người bị chính những thay đổi đó làm cho lao đao là gì? Có phải đó là chuyện may rủi? Cũng có thể, nhưng liệu có doanh nghiệp nào gặp may mắn liên tiếp trong suốt cả quãng đời tồn tại hàng thế kỷ của nó hay không?
Mọi chuyện diễn ra theo một vòng tròn luẩn quẩn: doanh nghiệp không tiếp cận được đúng nhóm khách hàng mục tiêu, và doanh thu sụt giảm. Doanh thu cận biên vì thế bị thu hẹp rõ rệt, và ngân hàng là người đầu tiên nhận thấy điều này. Các khoản cho vay bị cắt đi nhanh chóng, lợi nhuận cận biên cũng giảm theo. Doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Và thế là khách hàng tiềm năng lại tiếp tục ra đi.
Rõ ràng những nhân vật hay những doanh nghiệp đã trở nên thành công và thịnh vượng qua những thay đổi có những bí quyết hay nguyên tắc hoạt động nhất định. Biết đâu những bí quyết đó cũng sẽ là ngọn hải đăng đưa bạn vượt qua cơn sóng gió của những thay đổi thì sao?
5 nguyên tắc cơ bản của tất cả các doanh nghiệp
• Sử dụng tiết kiệm nguồn lực:
Trong bất cứ điều kiện nào thì tiết kiệm cũng phải được coi là nguyên tắc hàng đầu. Tiết kiệm có nghĩa là sử dụng một cách kinh tế nhất nguồn vốn tài chính, là không chi tiêu quá mức cần thiết. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn sẽ giàu, hay phải giàu có. Người giàu cũng vung tay quá trán như ai, thậm chí còn quá đà hơn. Có điều họ có nhiều cơ hội vay tiền hơn, bởi họ có tài sản thế chấp, hay chí ít họ cũng đã có tiếng tăm. Có nghĩa, cách tốt nhất cho chúng ta là cố gắng chi tiêu cho hợp lý, tiết kiệm và tránh xa nợ nần. Còn đối với từng cá nhân, thì tiết kiệm chính là bảo vệ sức khoẻ của bản thân cả về thể chất và tinh thần, là gây dựng và giữ vững những mối quan hệ quan trọng để làm chỗ dựa trong lúc khó khăn.
• Xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp:
Người ta thường chỉ quan tâm đến những mối quan hệ hiện hữu và cần thiết ngay trước mắt như với sếp trực tiếp của mình hay đồng nghiệp cùng văn phòng, và đẩy đồng nghiệp khác phòng ban hay thậm chí cả các cấp lãnh đạo không trực tiếp xuống hàng thứ yếu. Việc này sẽ phá vỡ mối liên hệ nội bộ trong công ty, và ngay khi xuất hiện một trục trặc nhỏ, cái tập thể lỏng lẻo đó sẽ sụp đổ ngay lập tức. Xưa nay, dường như những giám đốc tài năng đều có khả năng nắm tất cả nhân viên của mình trong tay, họ hiểu và quen biết với tất cả mọi người, cấp trên hay cấp dưới, chủ tịch công đoàn, thậm chí là người đồng nhiệm ở các doanh nghiệp khác hay người lao công của công ty. Điều kỳ diệu là tất cả các mối quan hệ đó đều có ích đúng vào lúc họ cần nhất.
• Tiếp cận được nguồn thông tin cần thiết:
Các doanh nghiệp thường hạn chế việc trao đổi thông tin thậm chí là trong nội bộ, vì họ cho rằng thông tin là vũ khí chiến lược trong kinh doanh ngày nay. Thế nhưng, chính các doanh nghiệp đó sẽ có nguy cơ bị “gậy ông đập lưng ông”, bởi các bộ phận riêng lẻ có thể có đủ thông tin và hoạt động khá thuận lợi, nhưng khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn, họ không thể hỗ trợ cho nhau vì chẳng biết gì về bất cứ một lĩnh vực nào khác cả.
Dĩ nhiên, các doanh nghiệp cần giữ tuyệt mật những thông tin về nhân sự và chiến lược, về sản phẩm chủ đạo hay sắp tung ra thị trường. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp lại thường “bảo mật” thông tin một cách thái quá. Đôi khi tiết lộ những thông tin mật về bản thân hay doanh nghiệp là tự sát, nhưng chỉ khi nào việc kinh doanh của bạn là dựa trên việc lừa gạt nhân viên, bạn hàng và khách hàng. Nhưng chính những mưu mô trong kinh doanh đó đã báo trước ngày tàn của doanh nghiệp, bởi nó huỷ hoại nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp: những mối quan hệ nội bộ bên trong doanh nghiệp.
• Phân quyền:
Cốt lõi của vấn đề phân quyền là “Cần phải tin vào nhân viên của mình”. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải trao quyền quyết định cho các cấp càng thấp càng tốt để phát huy tính tự chủ của họ.
Nguyên nhân thật dễ hiểu: trong các doanh nghiệp tổ chức theo kiểu tập trung hình tháp, chỉ có một bộ óc duy nhất phải hoạt động: đó là người lãnh đạo cấp cao nhất. Nhân viên tất cả các cấp còn lại chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phục tùng mệnh lệnh mà không phải dùng một chút tư duy nào cả.
Để khai thác được tối đa nguồn lực chất xám trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần phải giao quyền tự quyết định giải quyết các vấn đề cho các cấp. Họ phải học cách tự mình gỡ rối và nếm trải cả thành công lẫn thất bại. Đây là mô hình cấu trúc đã được áp dụng từ rất lâu ở hầu hết các tập đoàn danh tiếng trên thế giới.
• Tạo ra mối quan tâm chung:
Một doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại lâu và phát triển được nếu nhân viên trong công ty không quan tâm đến chất lượng sản phẩm tạo ra, hay thờ ơ với tình hình kinh doanh đang thua lỗ của doanh nghiệp. Có thể họ chỉ cần tìm hiểu một chút thôi xem khách hàng thích gì và không thích gì ở sản phẩm của họ, hay cảm thấy tự hào về từng khía cạnh nổi bật của sản phẩm ấy. Điều đó đòi hỏi từng nhân viên phải có lòng yêu nghề và gắn bó với doanh nghiệp. Đó chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt cho doanh nghiệp, là nền tảng hậu thuẫn cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn và bất lợi.
Hãy thử tìm hiểu xem khách hàng và đối thủ nói gì về công ty của bạn. Bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình tài chính của công ty mình? Làm gì để gắn kết chặt chẽ hơn các thành viên trong công ty và thông thoáng hoá luồng thông tin trong nội bộ doanh nghiệp? Bạn sẽ làm gì để tăng quyền tự quyết cho các cấp và để cho tương lai của doanh nghiệp là mối quan tâm lớn và chân thành của tất cả các thành viên?
Tầm nhìn