* Khái niệm:
Tuỳ theo cách tiếp cận, phương thức vận hành nền kinh tế và trình độ phát triển của nền kinh tế mà người ta có những quan niệm khác nhau về tiền lương.
a. Trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trước đây, người ta quan niệm rằng:
Tiền lương là một phần của thu nhập quốc dân được biểu hiện bằng tiền, được phân chia cho người lao động một cách có kế hoạch, trên cơ sở quy luật phân phối lao động.
Quan niệm này phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế chỉ huy tập trung. Trước thời kì đổi mới (1986) nước ta cũng áp dụng quan niệm này. Tuy nhiên, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường khi sức lao động được thừa nhận là hàng hoá thì quan niệm về tiền lương đã có những sự thay đổi cơ bản.
b. Quan niệm của tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tiền lương cho rằng:
Tiền lương là tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo một số lượng nhất định không căn cứ vào số thời gian làm việc thực tế, thường được trả theo tháng hoặc nửa tháng.
c. Theo quan niệm hiện đại tiền lương, tiền công có thể được hiểu như sau:
Tiền lương là số tiền trả cho người lao động một cách cố định và thường xuyên theo đơn vị thời gian (tuần, tháng năm) tiền lương thường được trả cho cán bộ quản lý và các nhân viên, chuyên môn kỹ thuật.
* Chức năng của tiền lương:
a. Tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động:
Quá trình tái sản xuất được thực hiện bởi việc trả công cho người lao động thông qua tiền lương. Báo cáo của tái sản xuất sức lao động là duy trì và phát triển sức lao động, nghĩa là số tiền lương nhận được người lao động không chỉ đủ sống mà còn đủ để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân và một phần để tích lũy.
b. Chức năng kích thích người lao động:
Tiền lương đảm bảo góp phần tác động để tạo cơ cấu hợp lý trong toàn bộ nền kinh tế, khuyến khích phát triển ngành và lãnh thổ. Khi người lao động được trả công xứng đáng sẽ tạo niềm say mê hứng thú tích cực làm việc, phát huy tinh thần làm việc sáng tạo, tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn trách nhiệm của cá nhân với lợi ích tập thể và công việc.
c. Chức năng giám sát:
Người sử dụng lao đông thông qua việc trả lương cho người lao động có thể tiến hành kiểm tra theo dõi người lao động làm việc theo kế hoạch của tổ chức mình, để đảm bảo tiền lương bỏ ra phải đem lại hiệu quả cao.
Nhà nước giám sát lao động bằng chế độ tiền lương đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi họ hoàn thành công việc. Đặc biệt trong trường hợp người sử dụng lao động vì sức ép, vì lợi nhuận mà tìm cách giảm chi phí trong đó có chi phí tiền lương trả cho người lao động cần khắc phục ngay.
d. Ngoài các chức năng trên, tiền lương còn có một số chức năng khác như:
Chức năng đòn bẩy kinh tế, chức năng thanh toán, chức năng giá trị lao động, chức năng điều hòa lao động.