Những bài học về bán hàng



Bán hàng, ngày nay không chỉ đơn thuần là hành vi đưa hàng ra thu tiền về. Đó là quá trình từ quảng cáo tiếp thị để khách hàng biết đến sản phẩm, làm quen với sản phẩm… Người bán hàng thành công là người khiến khách hàng gắn bó với bạn mãi mãi.

Hãy quan tâm tới thượng đế

Ở Mỹ, có một người bán ô tô lừng danh tên là Guillard. Ông nổi tiếng trong giới bán xe hơi vì vượt qua nhiều đại lý khác về lượng xe bán ra hàng năm. Mỗi năm Guillard bán được 14.000 chiếc xe hơi. Một lần có một vị khách đến mua xe. Guillard đã giới thiệu với ông ta một mẫu xe mới. Cuộc trao đổi diễn ra suôn sẻ và sắp đi tới thỏa thuận. Bất chợt khách đổi ý không mua nữa. Guillard nghĩ mãi không hiểu tại sao. Ông liền căn cứ cavidít của vị khách và tìm đến nhà để hỏi rõ.

Thấy sự chân thành cầu thị ở người bán hàng, vị khách nói thực: “Tôi quả thật định mua xe. Nhưng trước khi ký ngân phiếu tôi có kể cho anh nghe về con trai tôi. Cháu sắp tốt nghiệp đại lọc Kỹ thuật Michigan và là cầu thủ bóng chày nổi tiếng ở trường.Tôi hào hứng kể vì đó là niềm tự hào của tôi. Nhưng anh chẳng nghe tôi nói lại còn quay ra cười đùa với những người khác. Tôi rất bực mình vì dường như anh không quan tâm tới tôi nữa mà chỉ quan tâm tới việc bán được xe của anh mà thôi.” Guillard lặng người. Hóa ra chỉ vì thiếu sự quan tâm chia sẻ niềm vui của khách mà anh bỏ lỡ một cơ hội.

Từ đó Guillard rút ra bài học kinh nghiệm về tâm lý chăm sóc quan tâm tới khách. Chính nhờ vậy anh trở thành một người bán hàng nổi tiếng ở Mỹ.

Câu chuyện về người bán ô tô giỏi nhất nước Mỹ cho ta một lời khuyên: hãy quan tâm chia sẻ với người mua – những Thượng đế của cửa hàng bạn.

Bài học của ông chủ Sanzo

Ở cửa hàng luôn có khách đến, có thể họ mua hàng, có thể không mua. Người bán hàng giỏi là người khiến khách hàng dù chưa có ý định mua gì cũng phải móc hầu bao. Hơn thế còn có thể tìm hiểu được nhu cầu, tình hình giá cả nếu chịu khó trò chuyện với khách. Câu chuyện dưới đây của lshoko, giám đốc Công ty điện tử SANYO của Nhật là một ví dụ điển hình.

Một lần Ishoko đến một cửa hàng bán lẻ của công ty ở gần nhà trò chuyện xã giao với chủ hiệu cũng là để tìm hiểu chuyện buôn bán.

Đang trò chuyện thì có một chú bé nhà gần đó đến mua một chiếc bóng đèn. Chủ hiệu lấy ra một chiếc bóng đèn, đưa vào máng thử, bóng đèn sáng, nhận tiền và đưa hàng cho chú bé rồi quay sang với lshoko than vãn chuyện buôn bán khó khăn. lshoko hỏi chủ quán: – Chú bé vừa rồi con ai? – Tôi không rõ nó là con nhà ai. Nhưng chắc là ở gần đây thôi. – Tôi cũng nghĩ là ông trả lời như vậy. Tại sao ông không hỏi nó cần mua gì nữa không và giới thiệu hàng của mình. – Ôi dào, tôi chẳng bán bóng điện đó thôi, nó cần gì thì đã hỏi.

Ishoko lắc đầu. Chủ quán thấy vậy hỏi: Ông có điều gì xin chỉ giáo. Tôi cũng không biết phải làm gì nữa.

Chỉ chờ có vậy Ishoko đáp:

– Chỉ giáo e tôi thất lễ. Nhưng nếu tôi ở địa vị của ông, tôi sẽ báo: Cháu bé trông ngoan quá, nhà gần đây phải không? cháu học lớp mấy rồi mà trông lớn quá. Chắc chắn cậu bé ấy sẽ trả lời. Tôi sẽ hỏi tiếp về gia cảnh. Sau này nếu có gặp người nhà cậu bé hoặc đến nhà họ chào hàng ta có thể tự giới thiệu: “Tôi là người ở cửa hàng điện khí gần nhà, hôm rồi bán bóng điện cho con trai ông bà. Không biết bóng đèn ấy dùng tốt không?. Nếu câu chuyện cởi mở có thể đưa đẩy thêm: “Nghe nói ông bà còn cô lớn xinh xắn nết na lắm. Khi nào cháu lấy chồng ông bà nhớ đến chỗ tôi mua máy giặt, tủ lạnh nhé…”

Ông chủ hiệu nghe lshoko cứ há miệng ngạc nhiên: hay quá, hay quá thế nào tôi cũng vận dụng thử cách ông dạy.

Ishoko tiếp tục: ngày nay không gia đình nào ở Nhật không có ti vi màu, nhưng những thế hệ máy ra sau tiết kiệm điện hơn, độ phân giải cao hơn, ta có thể nói với chủ nhà: “Gia đình ta xài ti vi màu phải không, ăng ten ti vi nhà mình dựng sớm nhất khu này đấy.”

“Sớm nhất” hay không chỉ là thứ yếu nhưng người nghe sẽ thích thú hơn.

“Ông bà thử xem ti vi này đi, thế hệ mới đấy. Cái ti vi nhà mình dùng mua trước đây xài tới 300kw/h còn cái loại này chỉ 100kw/h mà độ nét cao hơn đấy”. Nếu đối phương có vẻ thích thú thì mời luôn “Để tôi mang một chiếc mới đến ông bà dùng thử, trả tiền sau cũng được, chỗ hàng xóm với nhau ý mà …”

Ishoko nói với ông chủ hiệu: chỉ cần mình ít quan tâm đến khách hàng, đến công việc của mình là có thể nghĩ ra khối cách để khách mua hàng dù trước đó họ chưa định mua. Khách vào đây có người đã có sẵn ý định mua hàng, có người còn chưa định. Nếu họ chưa mua thì ta có thể hỏi: “phải chăng cửa hàng còn thiếu sản phẩm khách mua? Hay tại giá cả chưa phù hợp. . .”

Ít nhất cũng nắm được tình hình nhu cầu và thị trường. Nếu khách nói hàng họ cần mà ta chưa có thì hẹn họ hôm sau để báo công ty chuyển hàng về, nếu giá cả chưa phù hợp thì cũng báo để phòng kinh doanh xem xét . . .

Ông chủ hiệu nghe xong như bừng tỉnh: đúng là hay thiệt. Thực hiện như ông dạy nếu không bán được hàng cũng nắm thêm nhu cầu để mở rộng mặt hàng kinh doanh.

Bài học của Ishoko được nhiều cửa hàng ở Nhật vận dụng. Các nhân viên đua nhau quan tâm hỏi han tranh thủ sự đồng thuận và tình cảm của khách. Nhờ vậy họ luôn mở rộng kinh doanh và bán được hàng.

Hồ sơ của KANEBO

Câu chuyện mà tôi kể dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được các công ty lớn thành công nhờ những biện pháp bán hàng như thế nào.

Tháng 4 năm ngoái, con gái tôi đang ở Vũng Tàu gọi ra:

– Bố đến cửa hàng Kanebo ở Vincom mà hồi Tết bố con mình đến mua kem dưỡng đấy.

– Có chuyện gì?

– Thì bố cứ qua xem.

Tôi đến gian hàng của hãng mỹ phẩm Kanebo tại tòa nhà Vincom. Cô nhân viên tên Hà đón tôi và hỏi

– Bác đến…

– Tôi là phụ huynh em M

– À! Cháu nhớ rồi, hồi Tết bác cùng con gái đến mua hàng ở chỗ cháu. Tháng 4 là tháng sinh nhật của chị ấy, công ty cháu có món quà chúc mừng sinh nhật.

Tôi ngớ ra nhưng thầm phục cách giữ khách hàng của công ty này. Hồi Tết con gái tôi về nghỉ Tết. Hai cha con tôi rủ nhau đi Vincom và ghé vào Kanebo. Con gái tôi chọn mua ở đây một số kem tẩy, dưỡng, chống nắng. Lúc chọn hàng sau khi đã được tư vấn và do độ ẩm, độ dầu của da và mồ hôi, cô bán hàng lấy ra một tờ giấy hỏi con gái tôi các chi tiết về nhân thân, số nhà, điện thoại, các thông số về da, tóc, mắt… Lúc đó tôi đã nói đùa “Bán hàng chứ có gì đâu mà thiết lập hồ sơ như hình sự vậy”. Cô bán hàng mỉm cười “Dạ! Chúng cháu lập hồ sơ để nắm tình hình khách hàng phục vụ cho chế độ hậu mãi ạ”.

Bây giờ thì tôi hiểu rõ tác dụng của việc ghi chép của Công ty Kanebo. Công ty tặng quà nhân dịp sinh nhật của khách, cũng là một cách duy trì sợi dây trên hệ với khách hàng. Đương nhiên, khi khách đến nhận quà tặng cũng là dịp để nhân viên công ty giới thiệu sản phẩm mới, những chương trình khuyến mại của công ty.Và đương nhiên hôm đó tôi đã mua thêm một số sản phẩm cho con gái.

Kanebo là một tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng của nhật. Ở Nhật, một tập đoàn khác là Shiseido cũng có nhiều biện pháp chăm sóc khiến khách khi đã mua hàng của công ty là gắn bó mãi.

Ba câu chuyện mà chúng tôi nêu trên nói về ba cung cách bán hàng của ba công ty. Những kinh nghiệm cũng như những bài học từ chuyện phục vụ của họ hy vọng sẽ làm thay đổi cách nhìn về việc bán hàng – đó không chỉ thuần túy là một hành vi đưa hàng thu tiền, đó là một quá trình chăm sóc khách hàng qua đó có được những khách hàng gắn bó giúp cho sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Tạp chí Thương Trường