Chiến lược xác định giá



Cõ lẽ bạn đã từng nghe câu: “Bất cứ thứ gì cũng có giá của nó”. Sản phẩm của bạn cũng vậy. Một chiến lược giá đúng không những cần nghiên cứu kỹ về đối thủ cạnh tranh, thị trường, yếu tố nội lực mà còn cần một chút kinh nghiệm, khả năng phán đoán tình huống.

Trước hết chúng ta cùng xem qua bốn chiêu thức định giá thường được sử dụng nhất.

1. Giá cao.
Chiến lược này dựa trên tính năng đặc biệt và độc đáo của sản phẩm, dịch vụ. Khi đã xây dựng được lợi thế cạnh tranh rõ ràng và mạnh mẽ, bạn có thể sử dụng nó. Giá cao thường sử dụng với những chủng loại sản phẩm sang trọng như nước hoa. Bên cạnh đó, nó cũng áp dụng hiệu quả với một thương hiệu đã có uy tín trên thị trường  như xe hơi Mercedes, BMW, khách sạn 5 sao Furama, hay cả những chuyến bay bằng chuyên cơ Concorde.

2. Giá thâm nhập.
Chiến lược này cố tình xác định mức giá thấp, nhằm chiếm được thị phần và thâm nhập dần vào thị trường. Sau khi mục tiêu thị phần ổn định, chúng ta sẽ tăng giá. Chắc các bạn còn nhớ, S- Telecom khi tung ra dịch vụ S – Fone với cách tính cước  từ giây thứ 11 đã chiếm được một thị phần tương đối đáng kể dù phải cạnh tranh với 2 “đại gia” lúc bấy giờ là Vina Phone và Mobi Phone.

3. Giá tiết kiệm.
Chiến lược này cố gắng đạt được một mức giá thấp nhất có thể. Các khoản chi phí và đầu tư dành cho Marketing, sản xuất được hạn chế tối thiểu. Chất lượng sản phẩm thường chỉ cần ở mức chấp nhận được. Ở Việt Nam, các bạn cũng quen với loại mì gói bao giấy Hai Con Tôm của Miliket. Dù vật giá leo thang, nhưng loại mỳ này vẫn trung thành với sản phẩm giá rẻ để phục vụ bà con nông dân có mức thu nhập thấp ở các tỉnh.

4. Giá “hớt váng”.
Tận dụng ưu thế cạnh tranh sẵn có để đưa ra mức giá cao nhất có thể. Tuy nhiên, ưu thế này không bền vững và lâu dài. Khi thị trường có nhiều nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm hơn, tất nhiên mức giá sẽ phải hạ xuống. Chiến lược này cố gắng thu được càng nhiều lợi nhuận càng tốt trước khi mức giá chung của thị trường giảm xuống.Bên cạnh đấy, trên thực tế, người ta vẫn sử dụng  một số “chiêu thức” định giá khác tuỳ vào từng hoàn cảnh.

5. Giá nhằm vào tâm lý khách hàng.
Thường tạo ra tác động tích cực vào tâm lý khách hàng. Ví dụ, ai trong chúng ta  cũng biết 99.000 đồng và 100.000 đồng thật ra không cách biệt lớn về giá cả, nhưng 99.000 đồng vẫn mang lại cảm nhận tích cực hơn rất nhiều  về mặt cảm tính cho khách hàng.

6. Giá thành phần sản phẩm.
Nếu bạn có một loại sản phẩm hay dịch vụ, chiến lược giá này thể hiện giá trị từng phần trong loạt sản phẩm hay dịch vụ đấy. Ví dụ, quán café của bạn phục vụ điểm tâm gồm thức ăn và café sáng. Phần thức ăn giá 20.000 đồng, phần nước uống giá 15.000 đồng và giá của phần điểm tâm ấy là 35.000 đồng.

7. Giá phụ trội.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn khách hàng sẽ tiêu xài nhiều hơn khi họ bắt đầu có ý định mua. Trên thực tế, khách hàng sẵn sàng trả thêm cho các hãng hàng không một khoản tiền để được một chỗ ngồi cạnh cửa sổ hoặc 2 ghế cạnh nhau trên chuyến bay.

8. Giá “lệ thuộc”.
Đối với một số sản phẩm đi kèm với nhau, nhà sản xuất thường bán dưới dạng gần như không sản phẩm này và thực sự thu lợi từ sản phẩm khác đi kèm. Ở Hội chợ Triển lãm Máy tính 2005 vừa qua, nhà sản xuất đã khiến người tiêu dùng ngạc nhiên khi tung ra chương trình khuyến mãi máy in giá chỉ 1USD. Trên thực tế, các nhà sản xuất máy in phun chủ yếu thu lợi từ mực in chứ không phải là máy in.9.Giá “trọn bộ”Chiến lược này, bạn có thể kết hợp các sản phẩm có liên quan thành một gói sản phẩm  và nó cũng rất hữu hiệu để tiêu thụ hàng tồn kho. Bạn có thể bán kèm kem và bàn chải đánh răng, chuột máy tính và tấm trải để lăn chuột. Điểm khác biệt với giá “lệ thuộc” là những sản phẩm chỉ có sự liên quan với nhau chứ không nhất định phải đi kèm và lệ thuộc vào nhau.

10. Giá khuyến mãi.
Sử dụng sản phẩm để quảng cáo sản phẩm đang trở nên phổ biến. Hẳn bạn hãy còn nhớ những câu như “ Mua một tặng một” hay “Mua một được ba”. Thẻ Internet, bánh trung thu là những mặt hàng thường hay sử dụng chiến lược này.

11. Giá theo vùng.
Với chiến lược này, bạn sẽ định giá sản phẩm tuỳ theo từng vùng địa lý, vào độ cung cầu của thị trường, độ quý hiếm của sản phẩm… Rau cải và hoa từ Đà Lạt chuyển xuống thành phố HCM thường đắt hơn nhiều.Trên thực tế, chúng ta sẽ gặp nhiều “tuyệt chiêu”, thậm chí là “quái chiêu” mới hay “ biến chiêu”. Tuy nhiên, nếu đã hiểu rõ những “chiêu thức” trên, bạn có thể xác định chiến lược giá phù hợp cho sản phẩm hay dịch vụ của mình. Chúc bạn thành công.