Suy thoái, đó là chủ đề nóng bỏng ở khắp mọi nơi. Vấn đề đó tồi tệ như thế nào và sự tồi tệ đó sẽ dẫn tới đâu và nó có ý nghĩ như thế nào đối với công việc marketing?
Sau hai thập niên tăng trưởng mạnh đối với các nhà tiếp thị, suy thoái là một điều hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Vì vậy một việc mà hầu hết các công ty đều thực hiện, dưới sự chỉ đạo của bộ phận tài chính, là cắt giảm chi tiêu. Điều đó khiến các bộ phận tiếp thị và các đại lý của họ cảm thấy lo lắng. Bởi đáng ra trong thời điểm này họ phải chi tiêu nhiều hơn để duy trì thương hiệu, cũng như cần tìm giải pháp mạnh mẽ hơn để làm an lòng khách hàng. Đây cũng là thời cơ tốt để tiếp thị sản rộng rãi hơn, bởi đối thủ cạnh tranh đang cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, cho dù có thực hiện giải pháp tiết kiệm hay không, câu hỏi mà các nhà tiếp thị quan tâm là nên thực hiện các hoạt động nào để duy trì thương hiệu trong thời kỳ suy thoái.
Sự suy thoái thực sự có ý nghĩa như thế nào với con người? Cho đến nay, người ta chỉ thấy mức độ giàu có của họ đang bị giảm nhanh chóng, việc làm bị cắt giảm và cơ hội kinh doanh đang bị hạn chế. Tuy nhiên đó mới chỉ là ảnh hưởng vật chất của suy thoái. Ảnh hưởng về tâm sinh lý có tác động mạnh mẽ hơn nhiều tới thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Giờ đây, hàng ngày, chúng ta đều đọc thấy các tin tức tiêu cực trên báo chí. Khi đi làm về, vợ hoặc chồng mặt mày chán nản than phiền về tương lai u ám. Kết quả là, thái độ của mọi người trong thời kỳ suy thoái, nói chung đều trở nên tiêu cực.
Mọi người cảm thấy thất vọng, có cảm giác bị mất lòng tin và hoài nghi. Họ chuyển sang sống khép kín và tập trung cho những việc nhỏ hơn cho cuộc sống, đề cao các giá trị truyền thống và hoạt động trong gia đình. Họ không nghĩ lạc quan về những gì sắp diễn ra. Thay vào đó là hồi tưởng những thời gian huy hoàng đã qua. Tư tưởng của mọi người thường chuyển từ ý thức “sống là phải tận hưởng ngay bây giờ” sang “cần phải điều chỉnh lại việc chi tiêu sinh hoạt”. Điều này dẫn đến việc cân nhắc nhiều hơn khi chi tiêu, không phải vì không còn nguồn để tiêu (có thể một số trường hợp là như vậy), mà bởi họ nghĩ đó là việc nên làm trong thời gian khó khăn này.
Vậy các công ty quảng bá thương hiệu có thể làm gì khi mọi người đều dè dặt chi tiêu như vậy? Eye on Asia, một nghiên cứu độc quyền của Tập đoàn Grey đã cho biết: Theo nghiên cứu Eye on Asia, với các thông tin có được từ hơn 7.500 người ở 16 nước châu Á, các công ty quảng bá thương hiệu có thể đề cao sự tận hưởng những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống. Có một xu hướng đang phát triển đó là người ta mong có được nhiều trải nghiệm cuộc sống hơn là mong có tài sản. 83% dân châu Á mong muốn bản thân được tận hưởng niềm vui thường xuyên (cao nhất ở Nhật Bản với 97% và thấp nhất ở In-đô-nê-xi-a với 55%). Tương phản với kết quả đó, 82% dân số của khu vực này cảm thấy căng thẳng do cuộc sống hiện đại.
Do vậy các công ty quảng bá thương hiệu có thể áp dụng các chiến dịch hồi tưởng để giúp cho mọi người nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp. Hoặc tạo không khí lạc quan giúp người ta quên đi những tiêu cực trong cuộc sống hiện tại thông qua các chương trình chiến dịch vui nhộn và tập trung đầu tư để bảo đảm chất lượng lâu dài. Bởi 97% người dân châu Á coi chất lượng cao là yếu tố cơ bản cho thương hiệu khi họ mua các sản phẩm lâu bền; 59% người dân châu Á sẵn lòng trả thêm tiền cho sản phẩm mới hoặc độc đáo. Số liệu này với người Việt Nam là 92%, người Thái Lan là 38% và người Nhật Bản là 30%.
Vậy các công ty quảng bá thương hiệu không nên làm gì trong thời kỳ suy thoái? Vâng, có một điều họ không nên làm, đó là nói về suy thoái trầm trọng như thế nào vì khắp nơi người ta đã nói đủ rồi!!!
Báo Đầu tư Tài chính Sài gòn